Bộ Y tế lưu ý không mua thực phẩm bảo vệ sức khoẻ có các dấu hiệu quảng cáo sau
Quy định thực phẩm bảo vệ sức khỏe
Theo quy định của Cục An toàn thực phẩm (thuộc Bộ Y tế), thực phẩm bảo vệ sức khỏe là loại sản phẩm được sử dụng để bổ sung dinh dưỡng cho cơ thể hằng ngày. Chúng có vai trò hỗ trợ tăng cường sức đề kháng, cải thiện và duy trì hoạt động của các chức năng sinh lý, đồng thời giúp giảm nguy cơ mắc một số bệnh lý.
Tuy nhiên, cần lưu ý rằng thực phẩm bảo vệ sức khỏe không phải là thuốc và không có khả năng thay thế thuốc điều trị bệnh. Trong trường hợp xuất hiện triệu chứng bất thường hoặc mắc bệnh, người dân nên đến các cơ sở y tế để được khám và điều trị đúng cách.
Ngoài ra, để được lưu hành trên thị trường, các sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm bảo vệ sức khỏe phải được Cục An toàn thực phẩm cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm theo quy định hiện hành. Tất cả thông tin về các các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe được cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm và được cấp Giấy xác nhận nội dung quảng cáo được công khai trên trang https://vfa.gov.vn/, https://dichvucong.moh.gov.vn/ . "Người dân có thể tra cứu trước khi quyết định chọn mua sản phẩm" - Cục An toàn thực phẩm nhấn mạnh.
Thực phẩm bảo vệ sức khỏe không phải thuốc
Cục An toàn thực phẩm lưu ý người dân cần kiểm tra kỹ thông tin sản phẩm, trên nhãn sản phẩm hoặc nhãn phụ (đối với sản phẩm nhập khẩu) đảm bảo có đầy đủ các thông tin:
- Tên sản phẩm;
- Ngày sản xuất, hạn sử dụng;
- Thành phần, thành phần định lượng;
- Định lượng;
- Hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản: Công dụng, đối tượng sử dụng, cách dùng;
- Khuyến cáo về nguy cơ (nếu có);
- Ghi cụm từ: "Thực phẩm bảo vệ sức khỏe";
- Ghi cụm từ: "Thực phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh".
- Số tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, số xác nhận nội dung quảng cáo (nếu có).
- Tên, địa chỉ của thương nhân chịu trách nhiệm và cơ sở sản xuất sản phẩm.
Lưu ý các dấu hiệu vi phạm trong quảng cáo
Cục An toàn thực phẩm khuyến nghị người tiêu dùng nên cẩn trọng khi tiếp nhận thông tin quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên mạng xã hội. Việc nhận diện các dấu hiệu vi phạm trong nội dung quảng cáo là vô cùng cần thiết để tránh bị đánh lừa.
Một số biểu hiện thường gặp của quảng cáo sai phạm bao gồm: đưa ra tuyên bố rằng sản phẩm có thể chữa khỏi bệnh sau khi sử dụng, sử dụng hình ảnh bác sĩ hoặc nhân viên y tế để quảng bá, hay không ghi rõ dòng cảnh báo bắt buộc: “Thực phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh.”
Để giúp người tiêu dùng hiểu rõ hơn, Cục An toàn thực phẩm đã xây dựng và phổ biến video hướng dẫn nhận diện các dấu hiệu vi phạm trong quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe:
Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), thực phẩm chức năng hay còn gọi là thực phẩm bảo vệ sức khỏe chỉ có tác dụng hỗ trợ cải thiện chức năng cơ thể, bổ sung dinh dưỡng – hoàn toàn không có khả năng điều trị bệnh. Tuy nhiên, hiện nay không ít đơn vị kinh doanh đã lợi dụng tâm lý “muốn khỏi bệnh nhanh” của người dân để quảng cáo sai sự thật. Một số doanh nghiệp thậm chí còn sử dụng hình ảnh người nổi tiếng nhằm tạo dựng lòng tin và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm.
Các nội dung quảng cáo kiểu như: "giúp khỏi bệnh hoàn toàn", "tác dụng nhanh chóng chỉ sau vài ngày", "bài thuốc gia truyền 100% tự nhiên" đều là ví dụ điển hình của hình thức quảng cáo phóng đại, không đúng bản chất sản phẩm.
Điều đáng lo ngại là không phải những thông tin quảng bá đó đều dựa trên cơ sở khoa học rõ ràng hoặc được các cơ quan chuyên môn kiểm duyệt. Trong nhiều trường hợp, các nhân vật nổi tiếng trên mạng xã hội đã góp phần tiếp tay lan truyền thông tin sai lệch về công dụng của sản phẩm, dẫn đến việc người tiêu dùng đặt kỳ vọng quá mức vào một sản phẩm vốn chỉ mang tính hỗ trợ.
Hậu quả không chỉ là sự thất vọng khi sản phẩm không đem lại hiệu quả như mong đợi, mà còn có thể ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, đặc biệt khi người dùng trì hoãn việc điều trị y tế cần thiết.
Nguồn: Bộ Y tế lưu ý không mua thực phẩm bảo vệ sức khoẻ có các dấu hiệu quảng cáo sau đây
Các bài viết khác
- Cách làm đẹp da bằng mật ong chỉ sau một đêm
- Thực phẩm chức năng là gì?
- Bật mí cách làm đẹp da mặt từ thiên nhiên thực hiện ngay tại nhà
- Cách làm đẹp da mặt từ thiên nhiên
- GMP là gì? Nguyên tắc cơ bản và lợi ích khi đạt chuẩn GMP
- Sự khác biệt giữa GMP và cGMP là gì?
- Tiêu chuẩn GMP-HS trong sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe
- Điều kiện, thủ tục cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất mỹ phẩm